- Back to Home »
- Hình Ảnh , Trò Chơi »
- Những thú chơi thời thượng của giới trẻ Việt... 10 năm về trước
Posted by : Unknown
Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013
Những dịch vụ này một thời đã khiến các teen cuối 8X và đời đầu 9X từ nông thôn đến thành thị mê mệt vì độ hấp dẫn và thú vị của nó…
Bạn có còn nhớ chừng mười năm về trước những thú chơi nào được yêu thích nhất? Trà chanh chém gió ư? Facebook ư? Hay làm Vlog? Đương nhiên là không rồi. Khi ấy, internet còn chưa phát triển và thú vui của teen cũng gắn với đời sống thực nhiều hơn. Hầu hết, những dịch vụ này đều trở thành trào lưu, xu hướng mà bất cứ người trẻ nào ngày ấy cũng đã từng thử qua và mê như điếu đổ. Cùng điểm lại nhé!
Chụp hình Hàn quốc (sticker)
Khoảng đầu năm 2000, trào lưu chụp ảnh lấy liền hay còn gọi là chụp ảnh hàn quốc bắt đầu xuất hiện khắp mọi nơi. Không biết ai là người đầu tiên đưa công nghệ này đến Việt Nam cũng không biết có phải loại hình dịch vụ này có nguồn gốc từ Hàn Quốc như cái tên gọi hay không chỉ biết rằng đây là một trong những dịch vụ ăn khách nhất trong hàng chục năm liền và giúp nhiều ông bà chủ kinh doanh dịch vụ này hốt bạc dễ dàng.
Có nhiều lí do khiến dịch vụ này được đông đảo các bạn trẻ thời đó yêu thích, một trong số đó là: Trong bất kì phim thần tượng Hàn quốc nào lúc bấy giờ cũng có cảnh nam nữ diễn viên chính rủ nhau đi chụp hình sticker (hình Hàn quốc) để ghi dấu lại khoảng thời gian vui vẻ nhất của họ, và giới trẻ “học theo” điều dễ thương đó. Thứ hai, khi chụp hình Hàn quốc bạn có thể lấy ngay vài phút sau đó và trong quá trình chụp có rất nhiều phông nền, nhiều khung hình dễ thương để chọn lựa chèn vào tấm hình, làm chúng trở nên lung linh, đặc biệt hơn những tấm ảnh bình thường khác. Bên cạnh đó giá tiền mỗi lần chụp khá mềm vừa túi tiền tuổi teen (10 nghìn đồng/ 4 tấm), kích thước hình lại nhỏ (4x6), thích hợp cất trong bóp, dán vào sổ hoặc tặng bạn bè làm kỉ niệm.
Giờ đây, những máy chụp hình Hàn quốc không còn dễ dàng được tìm thấy ở các trung tâm mua sắm hay các địa điểm gần trường học như trước nữa… bởi đã có iPad, iPhone thay thế, chuyện bạn có được một tấm hình xinh lung linh trong nháy mắt đã trở nên quá đơn giản! Và cũng chẳng cần cuốn lưu bút hay sổ tay nào để lưu giữ những bức ảnh ấy vì đã có Facebook, Twitter nhớ hộ. Chúng ta dần quên đi một trò vui từng yêu thích một thời, những thứ ngỡ như không thể thiếu để đem lại niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.
Chơi bi lắc
Bi lắc là một trong những trò chơi có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất thế giới. Xuất hiện và được biết đến rộng rãi ở Việt Nam từ những thập niên đầu của thế kỉ trước. Dựa trên mô hình mô phỏng một trận đấu bóng, chia làm hai đội, người chơi phải học cách xê dịch các đầu bi sao cho những cầu thủ nhựa của mình dẫn bóng về khung thành của đối phương. Những cú hất bóng đích xác, những pha di duyển và giữ bóng khéo léo, những chiến thắng ngoạn mục… đã làm biết bao con tim thơ dại ngày ấy rung lên vì sung sướng. Và ắt hẳn, trong kí ức tuổi thơ của ai đó sẽ còn ghi dấu mãi hình ảnh một trưa hè nào đó xa lắc lơ, trốn ngủ, chạy đi xem bọn con nít trong xóm trổ tài bi lắc để khi về nhà bị phạt quỳ hàng giờ liền.
Rất nhiều hàng quán giải khát hoặc tạp hóa gần trường học lúc đó kèm theo dịch vụ cho thuê bàn bi lắc chơi tính giờ để hút khách. Những quán bi lắc mọc lên như nấm cũng là tụ điểm tụ tập của những bạn trẻ thích chơi hơn học, biến môn thể thao lành mạnh thành trò đỏ đen vì thế, bi lắc là con dao hai lưỡi đối với các bạn trẻ thời bấy giờ.
(Ảnh chụp trẻ em Sài Gòn chơi bi lắc của nhiếp ảnh gia nước ngoài Brian Wickham)
Internet công cộng
Trở lại Việt Nam khoảng 5 - 10 năm trở về trước, khi internet tại nhà vẫn chưa phổ biến như bây giờ, các bạn sẽ thấy chưa có dịch vụ nào mà số lượng cửa hàng mở ra để phục vụ các bạn trẻ lại nhiều và dày đặc như dịch vụ internet công cộng. Cứ cách 5 dãy nhà lại có một cửa hàng cho thuê máy tính sử dụng theo giờ, mỗi giờ 3.000 nghìn đồng. Trường học, khu đông dân cư, khu vui chơi giải trí là những nơi tập dịch vụ này tập trung đông nhất. Bạn có còn nhớ khi ấy, mình sử dụng internet để làm gì? Đương nhiên ai cũng có thể trả lời là chat yahoo, nhảy audition, chơi blog 360…
Audition - game online một thời từng khiến các 8X, 9X mê mệt
Bây giờ khi internet đã trở thành một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, chúng ta lại vô tình bỏ quên những trò vui ngày ấy, chat yahoo được thay thế dần bằng chat Facebook, trò chuyện qua skype, nhảy audition giờ đã nhường chỗ cho vô vàn những game khác hiện đại và hấp dẫn hơn… Cuộc sống luôn thay đổi và chúng ta luôn tìm ra những cách mới để thỏa mãn tinh thần của chính mình theo thời gian. Nhưng đôi khi nhớ lại ta vẫn cảm thấy thầm tiếc cho những niềm vui đơn giản khi xưa của mình.
Thuê truyện tranh
Nữ hoàng Ai Cập, Bảy viên ngọc rồng, Con nhà giàu, Thám tử lừng danh Conan… là những bộ truyện tranh quen thuộc được teen Việt một thời yêu mến. Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm trở về trước, cho thuê truyện tranh là một trong những dịch vụ phát triển khá rầm rộ và thu hút số lượng lớn các bạn trẻ tìm đọc.
Một quầy cho thuê truyện tập hợp có khi đến hàng trăm bộ truyện của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc từ tình cảm, kiếm hiệp đến viễn tưởng các loại. Thậm chí còn cho thuê thêm cả báo và tạp chí. Giá mỗi lần thuê chỉ 500 đồng/cuốn cho truyện tranh và 1.000 đồng cho sách báo, tạo chí. Bạn được giữ truyện trong vòng 1 tuần. Với những bộ truyện đang “hot” lúc bấy giờ như “Nữ hoàng Ai Cập”, “Con nhà giàu” muốn xem được liên tiếp các tập đôi khi bạn phải xếp hàng chời đợi và nhanh tay thì mới “xí” được.
Thuê truyện tranh - dịch vụ được các bạn gái yêu thích
Thế nhưng, với các bạn trẻ hiện tại, việc đi thuê truyện về xem không còn phổ biến như trước nữa. Thay vì thế, chỉ cần một cái nhấp chuột, bạn đã có ebook, những trang truyện trực tuyến vừa sinh động lại chẳng lo mất phần nếu chậm chân. Những hàng quán cho thê truyên tranh cũng vì thế mà ế ẩm rồi vắng bóng dần trên các hè phố…
Thay thế và phát triển, đó là quy luật của cuộc sống. Có thể 10 hay 20 năm nữa, “mốt” trà chanh chém gió hay Facebook, Twitter sẽ dần được thay thế bởi nhiều loại hình giải trí khác. Và khi nhìn lại, chúng ta giật mình, cười thầm: “Ngày xưa, mình dễ thương ghê!”.