- Back to Home »
- Phim , Tổng Hợp Phim »
- 11 bộ phim tuyệt vời về tuổi thơ
Posted by : Unknown
Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013
M&C Online - Đây là 11 bộ phim điện ảnh tuyệt vời về tuổi thơ trên toàn thế giới. Chúng đầy ắp niềm vui mà cũng hàm chứa nhiều thách thức thời thơ ấu, những bộ phim này nói về tuổi thơ chứ không phải là những bộ phim dành cho trẻ em – mỗi bộ phim đều cho thấy làm thế nào mà số phận, tình bạn, sự bất định và những bí ẩn của thế giới người lớn lại định hình và tô vẽ nên những năm tháng ấu thơ của chúng ta.
Nguồn: Mẹ&Con, Cập nhật: 06/07/2013
Cría cuervos (1976)
Đạo diễn: Carlos Saura
Diễn viên người Tây-ban-nha Ana Torrent có một chỗ đứng ý nghĩa trong lịch sử điện ảnh – với vai diễn là một đứa trẻ, đôi mắt mở to mà lại chất chứa nét bí ẩn với vẻ buồn rầu, bà góp mặt trong hai bộ phim vốn được xem là những thước phim bất hủ nhất khơi gợi về thời thơ ấu.
Lúc bảy tuổi, trong bộ phim mê hoặc lòng người The Spirit of the Beehive (1973) của Victor Erice, bà đóng vai một cô bé khép kín trong một gia đình vùng Castile, cô bé này trở nên thích thú, thậm chí còn bị ám ảnh trước con quái vật của Boris Karloff sau khi xem trên màn ảnh phiên bản phim năm 1931 của Frankenstein.
Ba năm sau, trong phim Cría cuervos (1976, nhan đề tiếng Anh là “Raise Ravens”), Carlos Saura đã cho bà đóng vai một đứa trẻ bị ám ảnh khác, Ana, một cô bé 8 tuổi phải đương đầu với cái chết của người mẹ. Khi tạo dựng một thế giới không có sự hiện diện của những đứa bé dễ thương hay những cảnh tượng uỷ mị về tuổi thơ vốn xuất hiện trong nhiều bộ phim Hollywood, như Pollyanna (1960), thì bộ phim của Saura đã nhận thấy được thời thơ ấu mỏng manh phải vật lộn với tổn thương và mất mát, và bị vây quanh bởi nhiều suy nghĩ và xúc cảm lạ thường.
Tựa như người đồng hương Luis Buñuel, Saura đan xen huyễn tưởng và thực tại trong bộ phim của mình, không bao giờ báo hiệu rõ ràng khi nào thì cái này trở thành cái kia. Đối với Ana, luôn có ý nghĩ là mình đã chuốc độc người cha quan hệ lăng nhăng, thì những lần tâm trí bay bổng và mỗi chuyến trở lại u tối của trí tưởng tượng cô bé trông mãnh liệt và hiển hiện như nhà cửa trong khu phố hay như những món đồ nội thất trong căn nhà ảm đạm của giới tư sản mà cô bé đang ở.
Một Ana tò mò, hay cáu kỉnh, u buồn, thích vui đùa là một sự hiện diện thu hút người xem, giống như một trong những đứa trẻ kì dị, phức tạp mà ta gặp được ngoài đời thực chứ không phải một bức tranh lí tưởng về những nét dễ thương và tràn ngập ánh sáng.
I Was Born But… (1932)
Đạo diễn: Ozu Yasujiro
Được thực hiện vào cuối thời kì phim câm ở Nhật, bộ phim I Was Born But… năm 1932 của Ozu Yasujiro lấy bối cảnh tại vùng ngoại ô Tokyo, nơi gia đình Yoshi vừa mới chuyển tới cùng với hai cậu con trai nhỏ, Keiji và Ryoichi (Tomio Aoki và Hideo Sugawara thủ vai). Vốn là những đứa trẻ mới tới, nên Keiji và Ryoichi tức thì trở thành nạn nhân bị ăn hiếp ở đó, chúng phải cúp học để tránh mấy đứa trẻ khác.
Hãnh diện về người cha công chức, hai anh em sau đó đi xem bộ phim tự dàn dựng của cha chúng với những người đồng nghiệp, và nhận ra người cha mà chúng thần tượng thực ra là người bị bạn bè ông chà đạp. Tiếp sau đó lúc ở nhà bọn trẻ làm ầm lên, như Ozu đã chỉ ra bằng tài mê hoặc không lẫn đâu được và đượm rất nhiều chất hài hước, đó là thời điểm tồi tệ khi đứa bé nhận ra cha mẹ chúng không phải những người khổng lồ mà chúng hằng tưởng. Toàn bộ tình huống lộn xộn ồn ào của thời niên thiếu đều ở đây, được vạch ra mà không cần dùng đến tính chất xúc cảm hay đáng yêu ở lứa tuổi trẻ con. Không có gì ngạc nhiên khi trong số những phim tập trung vào trẻ em như Treeless Mountain (2008) của So Young Kim và I Wish (2011) của Hirokazu Koreeda, thì viên đá quí này của Ozu vẫn còn là một mẫu mực đáng lưu tâm.
Pather Panchali (1955)
Đạo diễn: Satyajit Ray
Người ta bảo rằng lúc mà Jean Renoir đang ở Calcutta hồi cuối thập niên 1940 nhằm chuẩn bị cho việc quay bộ phim chính kịch gia đình The River (công bố năm 1951) lấy bối cảnh tại Ấn Độ, thì nhà làm phim vùng Bengal Satyajit Ray tìm cách vào khách sạn nơi Renoir đang ở để xin lời tư vấn của vị đạo diễn người Pháp.
Lấy nguồn cảm hứgn từ những bộ phim hiện thực thời hậu chiến của Ý như Shoeshine (1946) và Bicycle Thieves(1948), Ray đã hoạch định tất cả trong đầu cho bộ phim đầu tay của mình và cùng với sự khuyến khích từ Renoir, ông bắt đầu tiến hành quá trình sản xuất, với nguồn ngân sách vô cùng hạn hẹp, cho bộ phim Pather Panchali, một chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết năm 1929 của Bibhutibhushan Bandopadhyay. Đây là phần đầu tiên cho bộ ba phim về nhân vật Apu, dõi theo những nỗi đau ngày càng tăng dần của một cậu bé ở nông thôn vùng Bengal và, trong hai bộ phim Aparajito (1956) và The World of Apu (1959), dõi theo sự trưởng thành và bước chuyển dời vào thành phố lớn của cậu ta. Đầy chất thơ và có chất nhạy cảm, Pather Panchali ghi nhận những nỗi nhọc nhằn của đời sống nhà quê và những nỗi sầu muộn của thời gian trôi đi, nhưng vẫn đưa ra những điều kì diệu và niềm hào hứng của tinh thần khám phá thời thơ ấu. Trong một cảnh phim tràn đầy sinh lực, Apu (Subir Banerjee thủ vai) và chị gái cậu ta lao đi trong cơn hào hứng băng qua cánh đồng lúa để có thể lướt nhìn chiếc xe lửa chạy ngang qua.
L’Enfance-nue (1968)
Đạo diễn: Maurice Pialat
Chỉ xuất hiện sau một chút so với những bộ phim đột phá đầu tiên của những đồng nghiệp đương thời thuộc phong trào điện ảnh Làn sóng Mới của Pháp, bộ phim đầu tay của Maurice Pialat là bản mô tả khốc liệt và gây choáng váng về một đứa bé được nhận nuôi, François (Michel Terrazon thủ vai), được chuyển từ nhà này sang nhà khác ở vùng ngoại ô buồn tẻ thuộc miền bắc nước Pháp. Nhà sản xuất phim này là François Truffaut, đạo diễn của phim Les Quatre Cents Coups (1959), người đã chắc chắn nhận ra được câu chuyện tương tự vậy về thời niên thiếu lầm lạc, L’Enfance-nue (Tuổi thơ trần trụi) đã cho acid vào những chỗ mà nhiều phim làm về tuổi thơ hẳn là thích phủ lên một lớp đường. Mặc dù hoàn cảnh của François rất tuyệt vọng, nhưng Pialat từ chối cách làm con tim người xem thổn thức, ông khắc hoạ cậu bé gây rối 10 tuổi có vẻ hung bạo, đôi lúc dữ tợn, và còn bị cảnh ngộ khốn khổ làm cho cậu bé trở nên trơ lì hơn. Thậm chí tác phẩm kinh điển của Truffaut bắt đầu trông có vẻ trữ tình đầy khoan dung nếu đứng cạnh bức chân dung thản nhiên của Pialat về một cậu bé ở ngoài rìa xã hội.
Sau này, đạo diễn Pialat chuyển cái nhìn sắt đá tương tự đối với những thanh thiếu niên phải đối diện với một tương lai bất định trong phim Passe ton bac d’abord (1978) và sự sung mãn dục tình của tuổi dậy thì trong phim À nos amours (1983) – hoàn thành bộ ba thuộc về những thể loại khiến cho Pialat trở thành một trong những nhà biên niên vĩ đại về tuổi trẻ trong lĩnh vực điện ảnh.
The Spirit of the Beehive (1973)
Đạo diễn: Victor Erice
Hãy chú ý cách điện ảnh tự thân nó cũng góp phần vào nhiều phim ở danh sách này – có một cảnh then chốt trong đó người ta chiếu bộ phim tự làm tại gia trong phim I Was Born But… của Ozu; đêm phim Charlie Chaplin ở trường nội trú trong phim Au revoir les enfants; thậm chí là màn trình diễn chiếu bóng kì ảo mang tính chất tiền điện ảnh (proto-cinematic) trong phim Fanny and Alexander của Ingmar Bergman. Những hình ảnh động là cái rất thường thấy trong các bộ phim về tuổi thơ, nhằm tóm chặt lấy những trí tưởng tượng nhạy cảm.
Trong phim The Spirit of the Beehive, khi những người điều khiển máy chiếu lang thang xuất hiện ở một ngôi làng vùng Castile vào cuối giai đoạn nội chiến Tây Ban Nha, việc chiếu bộ phim Frankenstein kinh dị năm 1931 đã có tác động khủng khiếp đối với cô bé Ana sáu tuổi (Ana Torrent thủ vai). Đã thế còn bị cô chị làm hoảng sợ do cô chị cho biết có thể triệu hồi linh hồn của con quái vật bằng cách gọi nó ra, vậy là cô bé bắt đầu tin rằng người lính lánh nạn đang ở kho thóc gần đó có thể là tác phẩm của Frankenstein đi vào đời thực. Tràn ngập hình ảnh hớp hồn người xem, bộ phim đầu tay của Victor Erice còn có chức năng là một phúng dụ về chế độ độc tài Franco và là một trong những tác phẩm dàn dựng sâu sắc nhất của điện ảnh về nỗi kinh ngạc và khiếp sợ đầy vẻ thơ ngây của một đứa trẻ sống nội tâm.
Fanny and Alexander (1982)
Đạo diễn: Ingmar Bergman
Sau nhiều thập niên vạch ra những bản chất phức tạp nơi cảm xúc và tâm lí trong đời sống hiện đại của người lớn, tác gia vùng Scandinavia Ingmar Bergman trở lại tìm nguồn cảm hứng nơi tuổi thơ chính mình với bộ phim chính kịch gia đình công bố năm 1982. Được thực hiện theo dạng phim truyền hình nhiều tập dài tổng cộng năm tiếng đồng hồ (và khi công chiếu ngoài rạp thì nó được cắt ngắn lại còn ba tiếng), đây là câu chuyện về anh trai và em gái lớn lên ở Uppsala vào đầu những năm 1900. Fanny and Alexander là dạng phim về một thời đại nhất định và có vẻ sang trọng, qua đó ta thấy Bergman có được một tinh thần ấm áp hiếm có cùng với nỗi niềm hoài niệm, khi ông nhớ lại những quãng thời gian vui đùa thời niên thiếu cùng cái rạp hát đồ chơi, cùng trò chiếu bóng kì ảo và cả buổi yến tiệc ở lễ hội.
Đây quả là một phim của Bergman, trong đó cậu bé Alexander (Bertil Guve thủ vai) cũng đã đẩy đi cái ranh giới của tín ngưỡng tâm linh bản thân mình, thử thách Thượng đế và tìm kiếm dấu vết cho sự hiện hữu của ngài. Một phần tư thế kỉ sau bộ phim The Seventh Seal (1957), thì tử thần lại có sự xuất hiện (ngắn ngủi) khác – chỉ là một trong những phong cách dị thường, kì ảo cho thấy ở giai đoạn trước lúc trưởng thành, trí tưởng tượng và thực tại đã đan quyện vào nhau như thế nào.
Au revoir les enfants (1987)
Đạo diễn: Louis Malle
Cũng như nhiều phim tuyệt vời khác về tuổi thơ, Louis Malle đã dựa trên chính cuộc đời và trải nghiệm của bản thân để tạo dựng thành công tác phẩm chính kịch thời chiến về những cậu bé ở trường Công giáo La-mã trong suốt thời kì chiếm đóng ở Pháp. Vào mùa đông năm 1943-1944, một cậu bé mới tên là Jean Bonnet (Raphael Fejto thủ vai) đến trường và làm dấy lên trước tiên là lòng ganh tị sau đó là sự tò mò của cậu bé Julien (Gaspard Manesse thủ vai), đây là người bắt đầu nhận ra ‘Jean’ là người Do-thái và được che giấu trong nhà trường để tránh bị Đức Quốc xã bắt đi.
Ngoại trừ những lúc còi hụ rền vang báo hiệu có đợt oanh tạc, thì bản thân cuộc chiến dường như đang xảy ra ở một nơi xa xăm nào đó, khung cảnh chính trị đối với đời sống ngôi trường nội trú ngập tràn những trò đùa tinh quái, những màn ăn hiếp và những bức bối dục tình (sexual frustration). Nhưng đột nhiên, mức độ nghiêm trọng của cuộc áp bức từ người Đức, và những hệ quả gây tổn hại đối với những nhân vật trẻ tuổi này bỗng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tác phẩm của Malle là một bộ phim dày xé tâm can về sự ngây thơ và phản bội, và về thời điểm nhận ra rằng mỗi người chúng ta phải sống theo chính hành động của bản thân.
Hope and Glory (1987)
Đạo diễn: John Boorman
Vào cuối thập niên 1980 xuất hiện nhiều bộ phim khơi gợi cảm xúc nói về trẻ em trong thời thế chiến thứ nhì. Giống như phim Au revoir les enfants và phim Empire of the Sun, một chuyển thể của Steven Spielberg từ hồi kí của J. G. Ballard, thì Hope and Glory của John Boorman được dựng lên từ trải nghiệm thực tế – ở trường hợp này là chính trải nghiệm của đạo diễn Boorman, khi còn là đứa bé lớn lên tại Luân-đôn trong thời gian quân Đức oanh tạc nước Anh.
Hành động khủng bố và huỷ diệt của những đợt rải bom khắp thủ đô nước Anh mang lại cảm giác sâu sắc, nhưng đối với đứa bé Bill 10 tuổi (Sebastian Rice-Edwards thủ vai) thì chúng còn mang lợi sự lôi cuốn, hào hứng, thậm chí cả vẻ đẹp. Hơn nữa, những vỏ thân máy bay nơi mấy căn nhà đã cho cậu bé và bạn cậu ta khoảng sân chơi rộng lớn, thay đổi từng ngày, đó là bộ mặt của vùng ngoại ô Luân-đôn thay đổi sau mỗi đợt tấn công. Nhà phê bình David Thomson viết, “Kĩ xảo nhiếp ảnh tuyệt vời ở chỗ nó gợi ra những vòm hơi khói và ánh sáng chói loá, những mảng hố nơi đó những toà nhà đã bị thổi bay đi và bầu trời là một mớ những ánh đèn pha rọi máy bay cùng những khí cầu. Bọn trẻ được cảnh báo là hãy ở yên trong hầm trú ẩn, nhưng màn trình diễn ánh sáng quá sức thu hút.”
Celia (1989)
Đạo diễn: Ann Turner
Có nhiều bộ phim tuyệt vời nhất về tuổi thơ là những bộ phim đầu tay, trong đó những đạo diễn trẻ thu hoạch những trải nghiệm thời trẻ của mình để lấy đó làm nguồn cảm hứng. Ngoài những Pather Panchali, Les quatre cents coups, L’Enfance-nue và Ivan’s Childhood của Andrei Tarkovsky, còn phải bổ sung thêm Celia, bộ phim đáng chú ý đầu tiên của Ann Turner.
Lấy bối cảnh ở ngoại ô Melbourne những năm 1950, đây là bức chân dung một cô bé chín tuổi luôn gặp phải rắc rối (đây là màn trình diễn tự nhiên đầy ấn tượng của Rebecca Smart) và nỗi kinh hoàng đè nặng nên tâm trí nhạy cảm của cô bé. Nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản và hành vi giết hại thỏ của chính quyền đã ám ảnh suy nghĩ cô bé vào buổi ban ngày, trong khi bọn “Hobyah” gớm ghiếc mà cô bé đọc được ở trường lại chui vào những cơn ác mộng của cô bé – lòng phiền não chất chứa trong đầu cô bé về cái chết và cơn hoang tưởng vốn càng ngày càng làm cho trí tưởng tượng của Celia trở nên rối rắm và xoắn xuýt lại trong suốt mùa hè oi bức ở nước Úc năm ấy. Tuner không bao giờ làm ra được bất kì phim nào gây âm vang đến như thế, nhưng bộ phim đầu tay này vẫn tiếp tục ám ảnh những ai lần tìm đến nó.
The Apple (1998)
Đạo diễn: Samira Makhmalbaf
Trẻ em thường chiếm lĩnh vị trí tung tâm trong những bộ phim của nền điện ảnh mới Iran nổi lên từ dạo sau cách mạng 1979. Hai bộ phim Where is the Friend’s House (1987) của Abbas Kiarostami và The White Balloon (1995) của Jafar Panahi lần lượt nói về những rủi ro bất thường của một cậu bé tám tuổi và một cô bé bảy tuổi, đó là hai viên ngọc quí rất cần phải phát hành bản UK DVD.
Thoáng nhìn lần đầu tiên thì bộ phim The Apple (1998) nêu ra một vấn đề tăm tối hơn nhiều. Câu chuyện về hai chị em 12 tuổi bị người cha sùng đạo và người mẹ mù loà giam hãm trong chính nhà mình, do hai người này tin rằng nếu để hai đứa con gái mình tiếp xúc với cõi sống bên ngoài thì sẽ dẫn tới tâm hồn mục nát. Bộ phim này được đặt trên đường ranh giữa thực tế và hư cấu. Không chỉ tình huống được mô tả là chuyện có thực, mà còn bởi vì những người ngoài đời thực việc thực đó thủ vai của chính họ trong “câu chuyện” này. Khi những người làm công tác xã hội buộc hai người cha mẹ kia cho phép cho gái mình ra ngoài đường phố, bộ phim đã ghi lại những ấn tượng ngập ngừng của hai chị em đó trước cảnh tượng thế giới bên ngoài vốn từ lâu đã chối bỏ chúng. Bộ phim được Samira Makhmalbaf đạo diễn khi cô mới 17 tuổi, đây là tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà đã chín chắn một cách đáng ngạc nhiên, và nó là sự kết hợp giữa đòn công kích vào xã hội áp bức với bản ca tụng đầy niềm vui những cảm nhận đang tỉnh thức.
A.I. (2001)
Đạo diễn: Steven Spielberg
Có lẽ trước tiên người ta sẽ nhớ E.T. (1982) là bộ phim tuyệt vời của Steven Spielberg về tuổi thơ, nhưng chính bộ phim khoa học viễn tưởng năm 2001 A.I mới xứng đáng có một vị trí tương đương trong danh sách kinh điển vì bản mô tả xúc động đến đớn đau về câu chuyện một cậu bé khao khát tình mẫu tử đến tuyệt vọng. Thực tế, David (Haley Joel Osment, với vai diễn vừa gây rùng mình vừa gây xúc động) không phải là đứa trẻ thực sự mà chỉ là một người máy (‘mecca’) có kích thước nhỏ, nhưng sau khi được lập trình để “yêu thương” cặp vợ chồng nọ mà con trai họ đang hôn mê, thì ‘mecca’ nguyên mẫu đó phát triển nên mối gắn kết sâu kín đối với cha mẹ nuôi như bất kì đứa trẻ nào. Khi con trai thực sự của họ tỉnh dậy một cách thần kì sau cơn hôn mê, sự ganh đua giữa ‘hai anh em’ khiến David bị bỏ rơi trong rừng để tự lo cho mình – một đoạn kịch tính vang lên như cơn ác mộng về tình trạng cha mẹ bỏ rơi con cái.
Mặc dù có vẻ ngoài như một bản cập nhật thời tương lai đầy xúc cảm của câu chuyện Pinocchio, với nhân vật David tin chắc rằng nếu cậu bé bằng cách thần kì nào đó có thể biến thành con người thực sự thì cậu ta sẽ giành lại được tình cảm của người mẹ, nhưng bộ phim của Spielberg lại đặt ra những vấn đề làm người xem bất an tột cùng về chuyện liệu có cảm giác thì có tồn tại không, có khả năng yêu thương liệu có làm nên con người chúng ta hay không, hay những cảm xúc tự thân chúng liệu có phải là một loại lập trình sinh học hay không.
(Theo BFI)