- Back to Home »
- Đồ Chơi , Hình Ảnh »
- Muôn màu đồ chơi Trung thu truyền thống
Posted by : Unknown
Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014
Sắc màu rực rỡ của đèn ông sao, ông sư, đầu lân hay âm thanh rộn ràng phát từ chiếc trống da, trống trống bỏi,…trong dịp Trung Thu đã trở thành ký ức tuổi thơ quen thuộc đối với nhiều người…
Đèn ông sao:
Những chiếc đèn ông sao là món đồ chơi tiêu biểu nhất của ngày Tết Trung thu. Chắc hẳn ai cũng thuộc làu những câu hát ”Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/Cán đây rất dài, cán cao quá đầu/Em cầm đèn sao em hát vang vang/Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan… tùng dinh dinh là tùng tùng dinh”
Đèn kéo quân:
Đèn kéo quân có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước. nên hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận ( nguồn gốc của tên gọi "kéo quân").Về sau được mở rộng nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu,…
Mặt nạ giấy bồi:
Những chiếc mặt nạ giấy bồi phong phú về màu sắc, chủng loại. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các nhân vật trong các câu chuyện cổ tích được mô phỏng một cách sinh động.
Ông tiến sĩ giấy:
Trung thu xưa không chỉ đặc biệt với những chiếc mặt nạ giấy phong phú về màu sắc, chủng loại. Là sự có mặt của ông Tiến sĩ giấy được bày trong mâm cỗ chơi trăng, sau khi phá cỗ trẻ em sẽ rước đi khắp làng. Đây là một loại đồ chơi có ý nghĩa giáo dục lớn, thể hiện sự tôn vinh cái nghiệp đèn sách khoa cử của cha ông.
Trống bỏi:
Có một thứ đồ chơi cho con trẻ dịp Trung thu giờ đây rất ít người biết đến: Đó là thứ trống tí hon, khi “đánh” tạo ra những âm thanh đanh gọn, vui tai, được gọi là trống bỏi
Tò he:
Tò he là đồ chơi của trẻ em, nặn các con giống làm bằng bột hấp chín, có nhuộm mầu. Tò he ở đâu, bọn trẻ xúm xít ở đó. Chúng là người “ra đề” và người nặn tò he là người “giải đề.” Thánh Gióng, Tôn Ngộ Không, rồng, gà, khỉ, voi, hổ, báo, kép võ, đào thương… đều được cả. Những năm trước, tò he là thú chơi đã đi cùng bọn trẻ vào cả những giấc mơ.
Thời cuộc kinh tế hội nhập đã làm cho đồ chơi dân gian dần chỉ còn trong ký ức của người đã qua thuở thiếu thời; và cũng đã lâu rồi hình ảnh về đồ chơi dân gian phai dần trong suy nghĩ của mỗi đứa trẻ; và rồi tuổi thơ nào cũng sẽ phải lớn lên, những háo hức của một mùa Trung thu ngọt ngào vui sướng cũng sẽ qua đi, nhưng ngay khi trong tâm hồn tươi sáng còn đong đầy và chất chứa những ước mơ, tại sao chúng ta không gieo vào đó những mầm xanh hy vọng và xây dựng cho con trẻ lòng tự hào dân tộc, những truyền thống quý báu để cho các em những niềm vui trọn vẹn, làm nên một Tết Trung thu hồn nhiên với những kỷ niệm êm đềm.